Các anh/chị sinh viên thân mến!
Để
giúp sinh viên có thêm thông tin nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan
đến công tác sinh viên, chế độ chính sách, tuyển sinh, phòng Công tác
sinh viên biên soạn dưới dạng Hỏi – Đáp một số nội dung có nhiều sinh
viên quan tâm như sau:
CẤP PHÁT & CHỨNG NHẬN CÁC LOẠI GIẤY TỜ
- Hỏi: Phòng Công tác sinh viên chịu trách nhiệm cấp các loại giấy tờ gì cho SV?
- Trả lời: Phòng Công tác sinh viên chịu trách nhiệm cấp các loại giấy tờ & giải quyết các yêu cầu sau đây cho sinh viên: Giấy chứng nhận sinh viên (v/v
bổ túc hồ sơ tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, xin việc làm, xin đi học, xin
tạm trú, đi xe buýt, vay tín dụng ưu đãi (mẫu số 01/TDSV), bổ túc hồ sơ
địa phương,…); xác nhận sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo; giải quyết yêu cầu của sinh viên về tạm dừng học tập, xin học tiếp sau tạm dừng, xin thôi học, xin chuyển trường; giấy giới thiệu,…
- Hỏi: Để được cấp giấy tờ, Sinh viên phải làm gì?
- Trả lời: sinh viên có nhu cầu cấp
giấy tờ hoặc giải quyết các yêu cầu, đến phòng Công tác sinh viên trình
thẻ SV, lấy số, nhận & ghi vào phiếu đề xuất yêu cầu; bộ phận cấp
giấy tờ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý, in, trình ký, đóng dấu & cấp
trực tiếp cho sinh viên.
- Hỏi: Phải mất thời gian bao lâu để được cấp giấy tờ?
- Trả lời:
Đối với giấy tờ do lãnh đạo phòng Công tác sinh viên ký: sinh viên xin
buổi sáng, nhận kết quả vào buổi chiều; sinh viên xin buổi chiều, nhận
kết quả vào sáng hôm sau (nếu xin vào sáng thứ 7, nhận kết quả vào sáng
thứ 2 tuần kế tiếp). Đối với giấy tờ do Ban giám hiệu ký: sinh viên nhận
kết quả sau 03 ngày.
- Hỏi: Thời gian trả kết quả trong ngày như thế nào?
- Trả lời: Thời gian trả kết quả cho sinh viên: Buổi sáng từ 9h00 đến 11h00; buổi chiều từ 15h00 đến 16h30.
- Hỏi: Các mẫu giấy tờ như thế nào? Sinh viên có phải tự làm không?
- Trả lời:
Phòng Công tác sinh viên thiết kế các mẫu giấy tờ theo nhu cầu sử dụng
của sinh viên. Giấy tờ cấp cho sinh viên được in trực tiếp từ phần mềm
quản lý hoặc sử dụng mẫu do Phòng tạo sẵn có đăng tải trên trang web của
phòng, sinh viên có thể download để sử dụng.
- Hỏi: Để được cấp giấy tờ, sinh viên có phải đóng tiền không?
- Trả lời: Để được cấp giấy tờ, sinh viên phải nộp: 2.000đ/1giấy.
HỒ SƠ SINH VIÊN
- Hỏi: Yêu cầu về hồ sơ nhập của sinh viên khi nhập học gồm những gì?
- Trả lời: Giấy
báo nhập học (bản chính); Lý lịch sinh viên (dán hình & xác nhận
của chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý); Bản sao bằng tốt
nghiệp, chứng nhận tốt nghiệp (có thị thực); Bản sao học bạ (có thị
thực); Bản sao giấy khai sinh; Bản sao hộ khẩu (hưởng ưu tiên theo hộ
khẩu thường trú); Giấy chứng nhận diện chính sách (diện ưu tiên theo đối
tượng).
- Hỏi: Xin cho hỏi về việc kiểm tra bản chính bằng tốt nghiệp sau khi nhập học?
- Trả lời:
- Đối tượng và văn bằng chính phải kiểm tra:
Đối tượng phải kiểm tra bản chính bằng THPT: sinh viên đại học, cao đẳng khối A, A1, B, V, D1;
Đối
tượng phải kiểm tra bản chính bằng THPT và bằng nghề 3/7 hoặc bằng
TCCN, trung học nghề: sinh viên đại học liên thông từ TCCN, TCN, CNKT
bậc 3/7 lên đại học;
Đối tượng phải kiểm tra bản chính bằng cao đẳng chính quy: sinh viên đại học liên thông từ CĐ lên ĐH.
- Thời
gian: Trúng tuyển nhập học cùng năm tốt nghiệp bậc học trước đó: Nộp
giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời khi nhập học. Đến học kỳ thứ 2 của
khóa học với khối liên thông, học kỳ thứ 3 của khóa học với các khối còn
lại, sinh viên trình bản chính bằng tốt nghiệp tại phòng Công tác sinh
viên; Trúng tuyển nhập học sau năm tốt nghiệp bậc học trước đó: Nộp bản
sao bằng tốt nghiệp có thị thực đồng thời trình bản chính bằng tốt
nghiệp ngay tại thời điểm nộp hồ sơ nhập học (để đối chiếu).
TẠM DỪNG & HỌC LẠI
- Hỏi: Về việc tạm dừng học tập có thời hạn
- Trả lời:
SV được phép tạm dừng học tập khi có lý do chính đáng; Thời gian tạm
dừng tính vào thời gian đào tạo (trừ trường hợp tạm dừng để thi hành
nghĩa vụ quân sự, hoặc có lý do chính đáng theo quy định của quy chế);
Thời gian tạm dừng tối đa bằng thời gian kéo dài của khóa học. Mỗi lần
tạm dừng từ 1 đến 2 học kỳ. Hai lần tạm dừng không được liền kề nhau trừ
các trường hợp đặc biệt, nhà trường sẽ xem xét cụ thể.
- Hỏi: Xin cho biết trình tự tiến hành các thủ tục tạm dừng học tập?
- Trả lời: Trình tự tiến hành thủ tục tạm dừnh như sau:
Sinh viên làm đơn theo mẫu (nhận tại phòng Công tác HSSV hoặc download trên website của phòng);
Sinh viên hoàn tất các mục trong đơn, đơn được phụ huynh cho ý kiến & chính quyền địa phương xác nhận;
Sinh viên làm thủ tục thanh toán công nợ tại phòng Kế hoạch Tài chính, trả hết sách tại Thư viện;
Sinh viên nộp đơn tại phòng Công tác sinh viên (đơn đã được phụ huynh ký & chính quyền địa phương xác nhận, phòng Kế hoạch Tài chính xác nhận hoàn tất công nợ, Thư viện xác nhận trả xong sách).
Sinh viên nhận quyết định tạm dừng tại phòng Công tác HSSV (sau 3 ngày).
- Hỏi: Đề nghị cho biết quy định đóng học phí khi tạm dừng?
- Trả lời:
Sinh viên nộp đơn trước khi học kỳ bắt đầu: Không phải đóng học phí;
Sinh viên nộp đơn trong tuần 1 & 2 mỗi học kỳ: Được rút môn học
(RT), đóng 20% học phí học kỳ; Nộp đơn trong tuần 3 & 4 mỗi học kỳ:
Được rút môn học, đóng 50% học phí học kỳ; Nộp đơn sau tuần thứ 4 mỗi
học kỳ: Được rút môn học, đóng 100% học phí học kỳ.
- Hỏi: Thủ tục về việc xin học tiếp sau khi tạm dừng như thế nào?
- Trả lời: Khi hết thời hạn tạm dừng, để được học tiếp sinh viên phải làm thủ tục xin học lại.
Quy
trình: Nộp các giấy tờ tại phòng Công tác sinh viên: đơn xin học lại
(theo mẫu) có xác nhận của chính quyền địa phương (nhận tại phòng Công
tác HSSV hoặc download trên mạng của phòng); Quyết định cho phép
tạm dừng. Thời gian: chậm nhất, trước 2 tuần khi bắt đầu đăng ký môn học
học kỳ mới. Nhận quyết định học lại: Tại phòng Công tác sinh viên (sau 3
ngày).
Chú ý: Sinh viên có thể nộp đơn xin học trở lại trước một học kỳ: khi lý do xin tạm dừng được giải quyết. Quá thời hạn tạm dừng một học kỳ, sinh viên không làm đơn xin học tiếp hoặc xin gia hạn thời gian tạm dừng, sẽ bị xóa tên.
HỌC PHÍ & XỬ LÝ VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐÓNG HỌC PHÍ
- Hỏi: Quy định mức thu học phí khối ngành kỹ thuật theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ?
- Trả lời: Nghị
định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn,
giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối
với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2012
đến năm học 2014-2015 quy định mức trần học phí đối với đào tạo trình
độ đại học tại trường công lập chương trình đại trà khối kỹ thuật, năm
học 2010-2011: 3.100.000đ/SV/năm; 2011-2012: 3.950.000đ/SV/năm;
2012-2013: 4.800.000đ/SV/năm; 2013-2014: 5.650.000đ/SV/năm; 2014-2015:
6.500.000 đ/SV/năm.
- Hỏi: Mức thu học phí của trường như thế nào?
- Trả lời: Vào
đầu năm học, căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước, Hiệu trưởng công
bố mức thu học phí của các hệ, bậc đào tạo trong toàn trường. Trường ta
thu học phí theo tín chỉ, nếu quy về hệ niên chế tương đương như mức thu
theo Nghị định 49.
- Hỏi: Xin cho biết quy định của Nhà trường về thời gian thu học phí?
- Trả lời: Mỗi học kỳ thu 2 đợt (trừ diện đăng ký nộp theo tháng). Đợt I: kéo dài 1,5 tháng tính từ đầu mỗi học kỳ; đợt II: kéo dài 1,5 tháng tính từ giữa học kỳ đến trước 01 tuần bắt đầu kỳ thi của mỗi học kỳ.
- Hỏi: SV có được gia hạn thời gian đóng học phí không?
- Trả lời:
SV được phép gia hạn thời gian nộp học phí. Để được xét gia hạn, SV làm
đơn theo mẫu nộp phòng Kế hoạch-Tài chính chậm nhất trước ngày hết hạn
thu học phí một tuần (theo đợt).
- Hỏi: Xin cho biết quy định của trường về xử lý kỷ luật đối với sinh viên vi phạm quy định đóng học phí?
- Trả
lời: Việc xử lý kỷ luật đối sinh viên vi phạm quy định đóng học phí
được tiến hành theo từng học kỳ (xử lý sau mỗi đợt thu học phí). Hình
thức kỷ luật được áp dụng như sau: Khiển trách trước toàn trường đối với
sinh viên không đóng học phí đợt I đúng quy định (sinh viên không đóng
học phí hoặc đóng chưa đủ mức tối thiểu của đợt 1 do Hiệu trưởng quy
định vào đầu mỗi năm học), hoặc đóng học phí đợt I nhưng không đóng học
phí đợt II. Cảnh cáo trước toàn trường đối với sinh viên không đóng học
phí đợt I đúng quy định và không đóng học phí đợt II. Xóa tên khỏi danh
sách sinh viên đối với các trường hợp còn nợ học phí, nghỉ học không
phép quá quy định (từ một học kỳ).
- Hỏi: sinh viên còn nợ học phí có được ĐKMH không? Trường hợp hoàn tất học phí nợ trong thời gian ĐKMH giải quyết thế nào?
- Trả lời: Sinh
viên không được ĐKMH nếu còn nợ học phí của học kỳ trước (đưa ra khỏi
danh sách sinh viên học kỳ). Trong tuần ĐKMH, sinh viên hoàn tất học phí
nợ, trường cho phép khôi phục tên và được ĐKMH. sinh viên hoàn tất học phí nợ sau khi hết hạn ĐKMH, được phép làm đơn xin tạm dừng học tập bảo lưu kết quả.
MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ & TRỢ CẤP CHO SV
- Hỏi: Xin cho biết các văn bản pháp quy liên quan đến miễn, giảm học phí?
- Trả lời:
Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về
miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học
phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học
2010-2011 đến năm học 2014-2015; Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày
15/7/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
49/2010/NĐ-CP; Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH
ngày 30/5/2014 Hướng dẫn thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP & Nghị
định 74/2013/NĐ-CP.
- Hỏi: Việc miễn, giảm học phí cho Ssinh viên áp dụng như thế nào?
- Trả lời: Từ năm học 2013-2014 trở đi, việc miễn, giảm học phí cho sinh viên được thực hiện tại trường nơi sinh viên đang học tập.
- Hỏi: Xin cho biết các đối tượng được miễn học phí?
- Trả lời: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng:
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng
chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh
loại B; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; con của
người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa
19/8/1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh
hùng Lao động trong kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh,
bệnh binh; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa
học. Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa. Sinh viên bị
tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế. Sinh viên là người dân tộc
thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng
Chính phủ. Sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có
điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (nước
ta có 16 dân tộc rất ít người có dân số dưới 10.000 người gồm: La Ha,
La Hủ, Pà Thèn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La,
Pú Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu). Sinh viên sư phạm (Sinh viên học chương trình đào tạo giáo viên kỹ thuật).
- Hỏi: Xin cho biết các đối tượng được giảm 50% học phí?
- Trả lời: Sinh
viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn
lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
- Hỏi: Xin cho biết việc giảm 70% học phí cho sinh viên học các ngành nặng nhọc, độc hại áp dụng như thế nào?
- Trả lời:
Việc giảm 70% học phí cho học sinh học các nghề nặng nhọc, độc hại chỉ
áp dụng cho hệ thống các trường nghề thuộc Bộ Lao động Thương binh &
xã hội. Sinh viên học các ngành của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.
Hồ Chí Minh không thuộc diện giảm 70% học phí.
- Hỏi: Xin cho biết các đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo?
- Trả lời:
Các đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo: sinh
viên là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương
binh, hưởng chính sách như thương binh; Sinh viên là con liệt sỹ, con
thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như
thương binh…
- Hỏi: Để được cấp sổ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, SV phải làm thủ tục gì?
- Trả lời:
Sinh viên liên hệ Phòng Lao động Thương binh & Xã hội địa phương
(nơi đăng ký hộ khẩu thường trú) để được hướng dẫn làm các thủ tục
& nhận sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo.
- Hỏi: Để được nhận tiền ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, sinh viên phải làm gì?
- Trả lời: Theo
học kỳ, sinh viên trình sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo tại phòng Công tác
Sinh viên để Nhà trường xác nhận vào sổ. Sau đó sinh viên nộp sổ ưu đãi
giáo dục, đào tạo cho địa phương (phòng Lao động Thương binh & Xã
hội cấp huyện, quận). Sinh viên nhận tiền trợ cấp ưu đãi tại địa phương.
- Hỏi: Đề nghị cho biết các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội và mức trợ cấp hàng tháng?
- Trả lời: Có bốn đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội với mức trợ cấp hàng tháng
như sau: sinh viên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 3
năm trở lên tại vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Nhà nước (a),
mức trợ cấp: 140.000đ/tháng; Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi
nương tựa và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (b); Sinh viên bị tàn tật
giảm khả năng lao động từ 41% trở lên, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn
(C); Sinh viên thuộc gia đình hộ đói (d), mức trợ cấp đều là: 100.000
đ/tháng.
- Hỏi: Để được hưởng trợ cấp xã hội, sinh viên phải nộp hồ sơ gồm các giấy tờ gì?
- Trả lời: Sinh
viên phải nộp hồ sơ, gồm: Đơn xét hưởng trợ cấp xã hội theo mẫu (nhận
mẫu đơn tại khoa/TT hoặc downloat trên mạng của trường); Bản sao giấy
khai sinh; Bản sao hộ khẩu, giấy xác nhận của địa phương về thời gian
thường trú (đối tượng mục a); giấy chứng tử của cha mẹ (đối tượng mục
b); biên bản giám định của Hội đồng Y khoa cấp tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (đối tượng mục c); giấy xác nhận của địa phương về hoàn
cảnh kinh tế gia đình khó khăn (đối tượng mục b,c); sổ hộ đói (đối
tượng mục d).
- Hỏi: Xin cho biết địa điểm, thời gian nộp hồ sơ?
- Trả lời: Sinh
viên nộp hồ sơ xét trợ cấp xã hội vào 02 tháng đầu mỗi học kỳ tại
khoa/TT. Các khoa/TT xét, lập danh sách & chuyển hồ sơ về phòng Công
tác sinh viên vào đầu tháng 3 và tháng 11 hàng năm.
Việc
nhận và xét hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội cho sinh viên được tiến hành
theo từng học kỳ. Sinh viên hoàn tầt hồ sơ ở học kỳ nào, được hưởng trợ
cấp xã hội từ học kỳ đó trở đi. Không giải quyết truy hưởng của học kỳ
trước.
- Hỏi: Mỗi học kỳ, sinh viên được nhận tiền hưởng trợ cấp xã hội là mấy tháng?
- Trả lời: Sinh viên được nhận tiền hưởng trợ cấp xã hội 06 tháng/học kỳ; 12 tháng/năm.
- Hỏi: sinh viên nhận tiền trợ cấp xã hội tại trường hay ở địa phương?
- Trả lời:
Sinh viên nhận trợ cấp xã hội tại Trường, không nhận ở địa phương.
Phòng Kế hoạch Tài chính thực hiện việc chi trợ cấp xã hội qua tài khoản
Ngân hàng của sinh viên.
- Hỏi: Xin cho biết ngoài trợ cấp của nhà nước, hàng năm Trường có trợ cấp cho sinh viên không?
- Trả lời:
Hàng năm Nhà trường dành khoảng năm trăm triệu đồng để trợ cấp cho sinh
viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên năm trong vùng bị thiên tai,…
HỌC BỔNG DÀNH CHO SINH VIÊN
- Hỏi: Xin cho biết đối tượng, tiêu chuẩn xét cấp học bổng khuyến khích học tập?
- Trả lời: Sinh
viên hệ chính quy trình độ đại học, cao đẳng học đúng tiến độ; có số
tín chỉ đăng ký học & dự thi học kỳ ≥ 15 (trường hợp vì lý do tổ
chức đào tạo, cả lớp có số tín chỉ < 15; hoặc ở học kỳ cuối khóa,
sinh viên đăng ký hết các môn học mà số tín chỉ vẫn < 15, khoa/TT
phối hợp với phòng Công tác sinh viên trình Hiệu trưởng xem xét quyết
định); có kết quả học tập & rèn luyện học kỳ đạt từ loại khá trở
lên; không có điểm tổng kết môn học trong học kỳ <5 (đối với các môn
Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng không có điểm thi lần 1 <
5); không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.
- Hỏi: Xin cho biết mức (suất/tháng) học bổng khuyến khích học tập của từng loại là bao nhiêu?
- Trả lời: Mức học bổng tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức trần học phí hiện hành của ngành nghề mà sinh viên phải đóng (Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập (HBKKHT) đối với sinh viên hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp).
Mức
học bổng đang áp dụng tại Trường như sau: loại khá: 650.000đ/tháng/suất
với trình độ đào tạo đại học; 500.000đ/tháng/suất với trình độ đào tạo
cao đẳng. Học bổng loại khá được cấp cho những SV có điểm trung bình
chung học tập xếp hạng khá trở lên (từ 7,00 điểm trở lên), điểm rèn
luyện đạt loại khá trở lên (từ 70 điểm trở lên) và nằm trong chỉ tiêu
quỹ học bổng cho phép. Mức học bổng loại giỏi: 800.000đ/tháng/suất với
trình độ đào tạo đại học; 650.000đ/tháng/suất với trình độ đào tạo cao
đẳng. Học bổng loại giỏi được cấp cho những SV có điểm trung bình chung
học tập xếp hạng giỏi (từ 8,50 đến 10 điểm), điểm rèn luyện đạt loại
xuất sắc (từ 90 đến 100 điểm) và nằm trong chỉ tiêu quỹ học học bổng cho
phép.
- Hỏi: Xin cho biết chính sách khuyến tài của nhà trường?
- Trả lời: Trong
những năm gần đây Nhà trường áp dụng chính sách “chiêu hiền đãi sỹ như
sau: Cấp học bổng khuyến tài cho những thí sinh trúng tuyển nhập học có
kết quả tổng điểm 3 môn thi đạt từ 25 điểm trở lên (điểm thi 3 môn chưa
nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên, điểm thưởng), cứ mỗi điểm
1.000.000đ (một triệu đồng).
Cấp
học bổng tài năng hệ đào tạo chất lượng cao cho thí sinh đạt danh hiệu
thủ khoa ngành (thí sinh dự thi vào trường và có tổng điểm thi (không
tính ưu tiên) cao nhất ngành trúng tuyển): Thí sinh đạt danh hiệu
thủ khoa ngành đăng ký học hệ đào tạo chất lượng cao được trường cấp
học bổng tài năng với mức 25.000.000đ/SV (16 ngành). Nếu sinh viên đạt
điểm cao, hưởng cả 2 loại học bổng.
- Hỏi: Xin cho biết đối tượng, tiêu chuẩn & quy trình xét cấp học bổng tài trợ?
- Trả lời: Đối
tượng xét cấp, ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt kết quả cao
trong học tập, rèn luyện. Tiêu chí cụ thể do đơn vị tài trợ học bổng đề
xuất. Chỉ tiêu, cấp theo khoa/TT và yêu cầu của đơn vị tài trợ (nếu
có). Quy trình: sinh viên nộp hồ xin xét, cấp học bổng tài trợ tại
khoa/TT; Các khoa/TT xét, lập danh sách & chuyển hồ sơ về phòng Công
tác sinh viên trong thời gian quy định; Phòng Công tác sinh viên tổng
hợp và trình Hiệu trưởng xem xét và ra quyết định cấp học bổng tài trợ
cho sinh viên.
SINH VIÊN ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH SƯ PHẠM KỸ THUẬT
- Hỏi: Xin cho biết những đối tượng nào được phép đăng ký tham gia Chương trình SPKT?
- Trả lời:
SV hệ đại học chính quy (từ HS phổ thông) thuộc các ngành có triển khai
chương trình sư phạm kỹ thuật tự nguyện đăng ký học chương trình sư
phạm kỹ thuật & cam kết phục vụ ngành Giáo dục & Đào tạo sau khi
tốt nghiệp.
Các
chương trình SPKT: SPKT Điện tử TT; SPKT Điện, điện tử; SPKT cơ khí;
SPKT Công nghiệp; SPKT Cơ điện tử; SPKT Ô tô; SPKT Nhiệt; SPKT Xây dựng;
SPKT Công nghệ may; SPKT CN thực phẩm; SPKT CN Thông tin; SP tiếng Anh.
- Hỏi: Xin cho biết quyền lợi & trách nhiệm của SV tham gia Chương trình SPKT?
- Trả lời: SV
được Hiệu trưởng ra quyết định công nhận đủ điều kiện đăng ký học
chương trình sư phạm kỹ thuật & cam kết phục phụ ngành Giáo dục và
đào tạo sau khi tốt nghiệp, được miễn học phí trong quá trình đào tạo;
đồng thời phải có trách nhiệm thực hiện sự phân công công tác trong
ngành giáo dục & đào tạo. Trường hợp SV từ chối sự phân công của tổ
chức sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã được miễn đóng học phí trong
thời gian học tại trường.
CÁC HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG
- Hỏi: Xin cho biết, một sinh viên chính quy cần tích lũy bao nhiêu ngày Công tác xã hội (CTXH)?
- Trả lời:
sinh viên chính quy phải tích lũy số ngày CTXH tối thiểu/khóa đào tạo
là 04 ngày CTXH đối với khóa đào tạo từ 04 năm trở lên; 02 ngày CTXH với
khóa đào tạo dưới 04 năm. Riêng khóa 2012: 03 ngày CTXH với khóa đào
tạo từ 4 năm trở lên; 01 ngày CTXH với khóa đào tạo dưới 4 năm, hệ liên
thông từ CĐ lên ĐH được miễn.
Trường
hợp vì lý do sức khỏe, nên sinh viên rất khó khăn hoặc không thể tham
gia các hoạt động công tác xã hội, sinh viên phải làm đơn kèm xác nhận về tình
trạng sức khỏe của cơ quan y tế (từ cấp huyện trở lên) để Nhà trường xem
xét việc miễn, giảm tham gia hoạt động công tác xã hội.
- Hỏi: Thời gian để thực hiện tích lũy ngày CTXH trong khóa đào tạo như thế nào?
- Trả lời: Việc tích lũy ngày CTXH của sinh viên được thực hiện trong suốt khóa học; sinh viên tự quyết định thời gian hoàn tất việc tích lũy số ngày CTXH. Nhà trường khuyến cáo sinh viên không nên để dồn vào cuối khóa.
Sinh viên tích lũy đủ số ngày CTXH theo quy định, mới được xét công nhận tốt nghiệp.
- Hỏi: Những cá nhân, đơn vị nào có thể tổ chức hoạt động công tác xã hội có tính điểm CTXH?
- Trả lời: Đối với các hoạt động
tại trường: Trưởng các khoa/phòng/ban/TT; Ban chấp hành Đoàn - Hội từ
cấp khoa/TT trở lên quyết định tổ chức hoạt động CTXH để SV đăng ký tham
gia; Ban đại diện lớp, BCH chi đoàn, chi hội có trách nhiệm đề xuất với
lãnh đạo các đơn vị tổ chức hoạt động CTXH để sinh viên đăng ký tham
gia.
Đối với các hoạt động
ngoài trường (tại địa phương): Các đơn vị, tổ chức (tổ chức chính
quyền, tổ chức đoàn thể từ cấp cơ sở trở lên; công ty/doanh nghiệp; bệnh
viện, trường học,…) khi tổ chức các hoạt động CTXH phải đề xuất với nhà
trường bằng văn bản cho phép sinh viên về tham gia hoạt động CTXH.
Phòng Công tác HSSV, Đoàn trường & Hội sinh viên trường là đầu mối
tiếp nhận đề nghị nói trên và quyết định tổ chức hoạt động CTXH tại địa
phương.
- Hỏi: Em thường xuyên tham gia các hoạt động CTXH tại địa phương nơi em cư trú. Vậy làm thể nào để em có thể có điểm CTXH của trường?
- Trả lời:
Trước
khi tham gia hoạt động, đơn vị tổ chức hoạt động tại địa phương phải
thông tin bằng văn bản (có chữ ký và đóng dấu) về nhà trường (đầu mối là
P. CTHSSV, Đoàn TN, Hội SV trường) xác nhận sẽ có những SV nào của
trường tham gia hoạt động.
Trong thời gian hoạt động, đơn vị tổ chức thực hiện chấm công cho sinh viên tham gia hoạt động.
Sau khi hoạt động kết thúc, trong thời gian 14 ngày
(02 tuần) đơn vị tổ chức hoạt động phải gởi chứng nhận sinh viên tham
gia hoạt động (có đánh giá mức độ hoàn thành công việc) và bản chấm công
về Phòng Công tác HSSV để ghi nhận điểm CTXH cho sinh viên.
- Hỏi: Em là lớp trưởng, em có thể tổ chức hoạt động thiện nguyện cho lớp em để tính điểm công tác xã hội được không? Em sẽ phải làm như thế nào?
- Trả lời:
Trước
hết em phải thực hiện kế hoạch tổ chức chương trình, có ý kiến của Ban
chủ nhiệm khoa đồng ý chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về hoạt động
của lớp.
Thực
hiện biểu mẫu CTXH-BM2 về thông tin hoạt động CTXH và lập danh sách
sinh viên tham gia gởi về phòng CTHSSV trước 15 ngày tính từ ngày tổ
chức hoạt động.
Tổ
chức hoạt động thiện nguyện, Lớp trưởng chấm công các bạn SV tham gia
theo biểu mẫu CTXH-BM3, xin ý kiến của Ban chủ nhiệm khoa thống nhất
bảng điểm.
Nộp
bảng điểm (chấm công) về phòng CTHSSV để ghi nhận điểm các bạn sinh viên tham
gia trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày diễn ra hoạt động.
- Hỏi: Em
đã tham gia hoạt động thiện nguyện A, do Đoàn khoa X tổ chức cách đây 1
tuần. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại em chưa thấy điểm CTXH của
mình có trên trang online. Giờ em phải làm sao?
- Trả lời:
Đầu
tiên em liên hệ Đoàn khoa X, phản hồi thông tin hiện nay em chưa có
điểm CTXH, hỏi Đoàn khoa X nguyên nhân tại sao chưa có điểm. Nếu Đoàn
khoa X chưa cung cấp bảng điểm cho Phòng CTHSSV để ghi nhận thì đề nghị
Đoàn khoa X mau chóng cung cấp bảng điểm cho Phòng CT HSSV để ghi nhận
điểm. Trường hợp nếu Đoàn khoa X đã cung cấp danh sách điểm cho Phòng
CTHSSV mà chưa có điểm, sinh viên liên hệ trực tiếp bộ phận phụ trách điểm CTXH
của phòng CT HSSV để được hướng dẫn giải quyết.
ĐIỂM RÈN LUYỆN
- Hỏi: Xin cho biết, tại sao phải đánh giá điểm rèn luyện của SV?
- Trả lời: Xem xét, đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên
là đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của từng sinh viên trên
các mặt: Ý thức và kết quả học tập; Ý thức và kết quả chấp hành nội quy,
quy chế trong nhà trường; Ý thức và kết quả tham gia các hoạt động
chính trị – xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, phòng chống các tệ nạn
xã hội; Phẩm chất công dân và quan hệ với cộng đồng; Ý thức và kết quả
tham gia công tác của lớp, các đoàn thể, tổ chức khác trong nhà trường
hoặc các thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện của sinh viên.
Việc
đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giáo
dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri
thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
- Hỏi: Điểm rèn luyện dùng để làm gì?
- Trả lời:
1. Kết quả phân loại rèn luyện toàn khoá học của từng sinh viên được lưu trong hồ sơ quản lý sinh viên của trường và ghi vào bảng điểm kết quả học tập và rèn luyện của từng sinh viên khi ra trường;
2. Kết quả rèn luyện của học kỳ được sử dụng để xét học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên trong học kỳ đó;
3. Kết quả rèn luyện của năm học, khóa học được sử dụng để xét khen thưởng năm học, khóa học cho sinh viên;
4. Sinh viên được cấp giấy chứng nhận kết quả rèn luyện theo yêu cầu;
5.
Sinh viên bị xếp loại rèn luyện kém trong cả năm học, phải tạm ngừng học tập
một năm ở năm học tiếp theo và nếu bị xếp loại rèn luyện kém cả năm lần
thứ hai thì sẽ bị buộc thôi học.
- Hỏi: Những cá nhân, đơn vị nào được phân quyền đánh giá điểm rèn luyện sinh viên?
- Trả lời:
Các đơn vị quản lý sinh viên và các đơn vị (Phòng, ban, khoa/TT, Đoàn thể) có
liên quan đến các hoạt động học tập và rèn luyện của sinh viên đều được phân
quyền đánh giá rèn luyện của sinh viên.
- Hỏi: Quy trình đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên như thế nào?
- Trả lời:
1. Đầu học kỳ, Ban chủ nhiệm khoa hướng dẫn ban cán sự lớp sinh viên (sau đây được gọi là lớp) tổ chức phổ biến, hướng dẫn việc đánh giá kết quả rèn luyện đến từng sinh viên trong lớp theo đúng quy định;
2. Trong suốt học kỳ:
Sinh viên tích lũy điểm rèn luyện bằng cách tham gia các hoạt động rèn luyện (của 5 nội dung đánh giá);
Các đơn vị, cá nhân (khoa,
phòng, ban, trung tâm, các tổ chức đoàn thể, giảng viên, cán bộ viên
chức) có trách nhiệm tổng hợp và cập nhật thường xuyên toàn bộ nội dung
và kết quả hoạt động liên quan đến việc đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên
vào phần mềm đánh giá điểm rèn luyện để làm căn cứ cho việc đánh giá
điểm rèn luyện của sinh viên sau mỗi học kỳ. Việc nhập điểm đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên sau mỗi hoạt động phải được thực hiện trong thời gian chậm nhất là một tuần kể từ ngày kết thúc hoạt động.
Sinh viên kiểm tra và đề nghị bổ sung các nội dung liên quan đến việc đánh giá điểm rèn
luyện (gồm các nội dung còn thiếu và các hoạt động tham gia tại địa
phương) trong học kỳ. Điểm rèn luyện sau mỗi hoạt động, sinh viên tiến hành
kiểm tra và đề nghị bổ sung trong thời gian hai tuần kể từ ngày điểm
hoạt động được công bố trên phần mềm đánh giá điểm rèn luyện;
3. Việc đánh giá điểm rèn luyện học kỳ của sinh viên được tiến hành sau khi kết thúc học kỳ, theo trình tự sau:
a. Vào tuần đầu tiên của học kỳ tiếp theo, các đơn vị & cá nhân có trách nhiệm hoàn thiện việc đánh giá, nhập điểm rèn luyện cho sinh viên trên phần mềm.
b. Vào tuần thứ hai của học kỳ tiếp theo, thường trực hội đồng đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên cấp trường tiến hành chạy phần mềm đánh giá điểm rèn luyện và công bố kết quả điểm rèn luyện của sinh viên toàn trường.
c.
Vào tuần thứ ba của học kỳ tiếp theo, sinh viên kiểm tra lần cuối các nội dung
và kết quả hoạt động liên quan đến việc đánh giá điểm rèn luyện qua
trang online sinh viên; sinh viên khiếu nại các nội dung liên quan đến kết quả đánh
giá điểm rèn luyện trong thời gian này.
Sinh viên thống nhất kết quả điểm rèn luyện học kỳ của mình bằng cách lưu bảng
điểm rèn luyện trên trang điện tử online sinh viên trường. Những sinh viên không thực
hiện việc thống nhất kết quả điểm rèn luyện cuối cùng của cá nhân (lưu bảng điểm), khi phân loại sẽ bị trừ mười điểm rèn luyện (qua theo dõi của phần mềm đánh giá điểm rèn luyện) và không có quyền khiếu nại các vấn đề liên quan đến điểm rèn luyện cá nhân trong học kỳ được đánh giá.
d. Vào tuần thứ tư của học kỳ tiếp theo, hội đồng đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên cấp trường họp để thông qua kết quả đánh giá rèn luyện của sinh viên và trình Hiệu trưởng xem xét, ra quyết định công nhận kết quả rèn luyện của sinh viên.
- Hỏi: Em là lớp trưởng, em nên làm gì để điểm rèn luyện của em và lớp em được cao?
- Trả lời:
Em
nên thường xuyên nắm bắt các thông tin từ các đơn vị trong trường có tổ
chức các hoạt động, thông tin các hoạt động đến các bạn sinh viên trong lớp để
các bạn tham gia các hoạt động, tích luỹ điểm rèn luyện trong học kỳ.
Em nên tham mưu với khoa tổ chức các hoạt động học thuật, phong trào, CTXH để sinh viên tham gia.
Quan tâm, phản hồi các hoạt động sinh viên có tham gia mà các đơn vị chưa công nhận, qua đó bảo vệ quyền lợi của các bạn sinh viên.
TUYỂN SINH
- Hỏi: Xin cho biết về việc chuyển ngành sau khi thí sinh trúng tuyển, nhập học?.
- Trả lời: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh tuyển sinh theo ngành, nên không giải quyết cho
chuyển ngành sau khi thí sinh trúng tuyển, nhập học. Trường
hợp đặc biệt và xin chuyển ngành học tại khoa Đào tạo chất lượng cao, sinh viên làm đơn trình Hiệu trưởng xem xét (với điều kiện cùng khối thi, ngành
chuyển đến có điểm chuẩn ≤ điểm chuẩn ngành đã trúng tuyển và còn chỉ tiêu).
- Hỏi: Xin cho biết thời gian tối đa được phép học tại trường/chương trình đào tạo?.
- Trả lời:
Căn cứ Quy chế 43 và điều kiện cụ thể về tổ chức đào tạo, học tập của sinh viên, Nhà trường điều chỉnh khung thời gian như sau: Thời gian tối đa cho
mỗi chương trình đào tạo bằng hai lần so với thời gian thiết kế cho
chương trình đó. Cụ thể như sau:
TT
|
Chương trình đào tạo
|
Thời gian khóa học qui định
|
Thời gian hoàn thành chương trình tối đa
|
|
Đại học chuyển tiếp (liên thông từ CĐ lên ĐH)
|
1,5 năm
|
3 năm
|
|
Đại học chuyển tiếp K3/7, TCCN (liên thông từ TC lên ĐH)
|
3,5 năm
|
7 năm
|
|
Đại học chuyển tiếp K3/7, TCCN (liên thông từ TC lên ĐH)
|
4 năm
|
8 năm
|
|
Đại học chính qui A, A1, B, D1,V
|
4 năm
|
8 năm
|
|
Đại học chính qui có đào tạo GVKT
|
4,5 năm
|
9 năm
|
|
Các chương trình cao đẳng
|
3 năm
|
6 năm
|
Quy định trên được áp dụng từ học kỳ II năm học 2012-2013.
- Hỏi: Xin cho biết về việc sinh viên theo học hai chương trình?
- Trả lời: Điều
17, Quy chế 43 quy định chi tiết về việc học song song hai chương
trình. Hiện tại, nhà trường áp dụng chế độ học cùng một lúc hai chương
trình cho những sinh viên có nhu cầu và hội đủ các điều kiện. Sinh viên có nhu cầu,
liên hệ phòng Đào tạo để được hướng dẫn.
- Hỏi: Xin cho biết về việc sinh viên học văn bằng hai?
- Trả lời: Từ
năm học 2008-2009, trường xin phép và được Bộ Giáo dục & Đào tạo
chấp thuận cho đào tạo văn bằng hai ngành Công nghệ Thông tin. Các ngành
khác chưa xin ý kiến của Bộ, nên chưa triển khai. Dự kiến kiến trong
thời gian tới mở thêm một số ngành.
TL. HIỆU TRƯỞNG
TRƯỞNG PHÒNG CÔNG TÁC SV
NGUYỄN ANH ĐỨC