Tiến sĩ Kehang Cui, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Áo choàng nhiệt có thể ví như quần áo không chỉ cho xe cộ mà còn cả tòa nhà, tàu vũ trụ, thậm chí là môi trường sống ngoài Trái đất, để giữ bầu không khí mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông”.
Những người sử dụng xe điện có thể sẽ thích thú với Janus. Theo nhà điều hành trạm sạc công cộng Osprey, nhiệt độ tối ưu với pin xe điện là trong khoảng 20-25 độ C. Trời quá lạnh hoặc quá nóng đều ảnh hưởng đến phản ứng hóa học và sự truyền năng lượng của pin. Không chỉ khiến phạm vi hoạt động giảm, thời gian sạc cũng bị kéo dài hơn.
Janus có hai thành phần chính. Lớp bên ngoài phản xạ ánh sáng mặt trời và lớp bên trong giữ nhiệt.
Lớp ngoài được làm từ sợi silica mỏng, phủ boron nitride lục giác, vật liệu gốm phản chiếu ánh sáng cực tím và giúp tản nhiệt. Nhờ sự kết hợp của sợi silica và boron nitride, áo choàng nhiệt có thể phản chiếu 96% ánh sáng Mặt trời đến tấm vải. Tất nhiên, tuy lớp ngoài giữ bề mặt bên dưới áo choàng mát hơn trong thời gian dài so với khu vực không che phủ, những chỗ được che vẫn chậm rãi ấm dần trong ngày. Lớp bên trong, làm từ giấy nhôm, sẽ giữ lại một phần, tương tự chăn giữ nhiệt khẩn cấp, giúp làm ấm xe những ngày lạnh hoặc đêm sương giá.
Để đánh giá mức độ hiệu quả của áo choàng nhiệt, nhóm đã thử nghiệm trên các xe điện đỗ ở ngoài trời Thượng Hải. Đầu tiên, họ kiểm tra nhiệt độ của chiếc xe không được “mặc” áo, ghi nhận nhiệt độ trong cabin lên tới 50,5oC vào giữa trưa. Nhưng khi xe điện được phủ áo giữ nhiệt, nhiệt độ bên trong chỉ còn 22,8-27,7oC. Về cơ bản, xe điện “mặc” áo thấp hơn 8oC so với môi trường xung quanh và thấp hơn 28oC so với nhiệt độ bên trong xe không che phủ. Trong khi đó, đến nửa đêm, nhiệt độ trong xe không bị xuống dưới 0oC, mà thường cao hơn 6,8oC so với nhiệt độ bên ngoài.
Tiến sĩ Cui cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể khiến cabin ô tô ấm hơn 7oC so với ngoài trời vào những đêm đông. Chúng tôi rất ngạc nhiên bởi không có năng lượng đầu vào hay ánh nắng Mặt trời, nhưng xe vẫn ấm lên”.
Ngoài ra, họ cũng kiểm tra độ bền của áo choàng nhiệt trong một số điều kiện cực hạn. Họ nung lớp vải ở 800oC - đủ nóng để làm chảy muối tinh. Họ cũng nhúng áo vào nitơ lỏng để tái tạo môi trường cực lạnh, trải qua rung động tương tự phóng tên lửa, tạt axit và phun lửa từ đèn khò. Tất cả đều không làm thay đổi cấu trúc hay hiệu suất của vật liệu.
Nhóm nghiên cứu cho biết áo choàng nhiệt được thiết kế đơn giản để có thể sản xuất đại trà trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chiếc áo choàng nhiệt này sẽ có giá bao nhiêu và khi nào mở bán.
Một thông tin kỹ thuật đến từ Tuoitre.vn